Những chuyện đó đây p.5

  1. Chuyện số 1

Dạo trước bộ phim truyền hình dài tập ‘Cả một đời ân oán’ làm mưa làm gió trên màn ảnh nhỏ, mình cho dù không xem một tập nào nhưng cũng phải nắm được đến 80% nội dung phim qua các đoạn cut ngập tràn trên mạng xã hội. Trong phim, nhân vật Phong có nói một câu mà mình rất tâm đắc khi ấy, rằng “Trình độ chuyên môn không phải lúc nào cũng đi kèm trình độ văn hóa”. Ra đời được vài năm, va chạm cũng không ít thì mình càng thấy câu nhận định này có nhiều phần đúng.

Rất nhiều người, chủ động hay bị động, trên con đường xây dựng giá trị chuyên môn của mình đã bỏ lỡ việc trau dồi và hoàn thiện giá trị văn hóa – điều quan trọng không kém, nhiều khi là hơn, và rồi trở thành những người “lệch”. Họ là những người có thể có vài tấm bằng đại học với điểm số gần như tuyệt đối, giữ những chức vụ cao trong các công ty lớn và thu nhập định kỳ nằm ở mức đáng ngưỡng mộ; vậy nhưng lại thiếu những kỹ năng ứng xử văn hóa cơ bản trong cuộc sống. Việc cư xử như một người có văn hóa không được đề cao và chú trọng bằng việc mài giũa chuyên môn có lẽ vì điều đó không trực tiếp mang lại lợi nhuận hay thành tích trước mắt, hoặc cũng có thể vì những kỹ năng ấy chẳng phải học một là biết một mà còn đòi hỏi nhiều lần thực hành và sửa sai – mất thời gian hơn nhiều so với việc cứ thế nhồi kiến thức chuyên môn vô đầu.

Tuy nhiên, từ góc nhìn của bản thân, mình thấy chính những kỹ năng mất thời gian ấy mới là cái làm nên một con người tử tế và đáng được tôn trọng. Vậy nên thay vì vội đánh giá một người qua những thành tích nổi bật nối đuôi nhau trên CV, mình cho rằng cách người đó ứng xử trong cộng đồng hay với một cá nhân nào đó thể hiện được con người của họ nhiều hơn hẳn và có lẽ là yếu tố quan trọng nhất cần được cân nhắc để mình quyết định có dành sự tôn trọng cho họ hay không. 

  1. Chuyện số 2

Trời đang mưa to, từng vệt nước dài hối hả đuổi nhau trên tấm kính cửa sổ. Dòng người trên phố cũng hối hả ngược xuôi, những tiếng còi xe chồng chéo lên nhau làm người ta thêm sốt ruột. Ở Hà Nội, trời mưa đồng nghĩa với việc tắc đường (ừ thì không mưa cũng tắc, nhưng mưa xuống còn tệ hơn), giá đặt xe Grab cũng đội lên vài chục ngàn, và những buổi hò hẹn đi chơi thì rơi vào khủng hoảng. 

Mình cũng vốn ghét trời mưa nhất trong các thể loại thời tiết từng gặp qua. Lúc bên Phần vào những tháng tuyết rơi nặng hạt nhất, khi mà đi được một bước cũng khó khăn thì vẫn là ‘thà tuyết ngập chân còn hơn mưa nhẹ’. Nếu có lúc nào mình thích mưa thì có lẽ là vào những ngày nghỉ cuộn tròn trong chăn ấm, nghe tiếng mưa tí tách đập vào cửa sổ và thoang thoảng ngửi thấy mùi đồ ăn mẹ nấu. Nhưng rồi xem xong Ký sinh trùng thì cũng bỏ luôn cái thú ấy, không hiểu sao.

Nhưng mà ấy, mưa là một hiện thân hoàn hảo của thiên nhiên, của những gì ngẫu nhiên nhất. Mưa có thể báo trước cho loài người bằng một chùm mây xám xịt ngày một đậm màu, hoặc bất chợt đổ xuống giữa trưa hè đang nắng gắt. Mưa có thể đến từ đằng Đông và lan rộng ra cả thành phố hoặc chỉ dạo quanh khu dân văn phòng chuẩn bị tan làm như trêu ngươi. Mưa là một trong những minh chứng rõ ràng nhất cho việc thiên nhiên vẫn đang làm chủ Trái Đất này, như nó vẫn luôn thế. 

  1. Chuyện số 3

Thời tiết Hà Nội sau bao năm vẫn đỏng đảnh như thế, sáng nắng chiều mưa trưa giông gió; khiến những đứa chẳng mấy khi theo dõi dự báo thời tiết như mình nhiều sáng ngủ dậy mắt nhắm mắt mở bước ra ngoài mà vội rùng mình chui lại vào phòng khoác thêm cái áo. Ấy vậy nhưng mà có vẻ mình lại hợp với cái thời tiết ẩm ương này đến lạ, về nước được gần hai năm mà số lần cảm cúm chắc chưa đếm hết một bàn tay chẳng bù cho những ngày còn ở Phần cúm định kỳ hàng tháng. Mọi người bảo mình đang sống quen môi trường trong lành, khí hậu dễ chịu (khi 8 tháng mùa đông tuyết dày ngập mắt cá chân được coi là còn dễ chịu hơn thời tiết Hà Nội) về đây thể nào cũng khốn đốn, cơ mà mình vẫn sống ngon ơ (cho đến khi gặp cơn gió đầu mùa giữa tuần này). Ngẫm lại mới thấy, nhiều khi không phải cứ sống trong điều kiện tốt nhất là điều tốt. Có những người họ cần một chút nắng gắt, chút mưa phùn ẩm ướt, chút gió đầu mùa thổi muốn bay cả người lẫn xe để phát triển tốt hơn. Ở điểm này thì mình thấy con người cũng chẳng khác cây cỏ là mấy, tùy người tùy cây mà có những môi trường sống lý tưởng khác nhau, và ta sẽ chẳng biết được đâu là môi trường dành cho mình nếu không dám thử. 

  1. Chuyện số 4

Hai tháng rồi mình chưa đọc xong một quyển sách và đây có lẽ là kỷ lục đọc lâu nhất kể từ khi mình bắt đầu có thói quen đọc. Lý do thì không thiếu, vì con người thường khi trì hoãn một điều gì đã luôn có một danh sách lý do tiềm năng bản thân chuẩn bị sẵn, bộ não chỉ việc lọc ra những lý do hợp lý nhất để biện minh cho sự trì hoãn đấy thôi. Mình phát hiện ra điều này khi đang đọc chính quyển sách hiện tại, cơ mà đọc xong là một chuyện còn áp dụng vào thực tế lại là một chuyện khác. Vậy nên mình vẫn trì hoãn việc đọc tiếp, nhưng điểm khác biệt là mình hiểu được vì sao mình lại làm vậy, và mình chấp nhận điều đó.

Trước đây thì không, việc trì hoãn được mình (và có lẽ khá nhiều người khác) nhìn nhận như một tính cách/hành động tiêu cực khi làm giảm năng suất hay tiến độ vốn có. Nhưng đôi khi trì hoãn là một điều cần thiết, thậm chí là tích cực bởi nó giúp mình giống một con người hơn – có lúc tràn đầy năng lượng để làm mọi thứ mình muốn, có lúc nản lòng và muốn buông bỏ hết. Việc trì hoãn làm một điều gì đấy cũng có thể là một dấu hiệu cho sự kiệt sức của bản thân hay đơn giản là báo hiệu rằng quá trình này có gì đó đang không ổn. Thay vì chỉ trích nét tính cách này, mình nghĩ điểm cốt lõi của việc trì hoãn là nó cần có điểm kết thúc, nghĩa là bạn có thể trì hoãn nhưng không phải mãi mãi. Nên dù rằng bản thân cảm thấy rất thoải mái và ổn với việc gần hai tháng rồi chưa đọc xong đầu sách nào, mình biết mình cần đưa ra quyết định sớm thôi –  tập trung đọc xong hay quyết định bỏ dở và chuyển sang cuốn khác. Đến cuối cùng, dù không muốn, một quyết định vẫn cần được đưa ra.  

Photo by Tim Queng on Unsplash

One thought on “Những chuyện đó đây p.5

  1. Thực ra không phải họ không muốn có văn hóa, hay không mài giũa cho có văn hóa hơn, mà là họ không biết họ thiếu văn hóa. Người ta thường dễ nhận thấy khiếm khuyết, thiếu sót của người khác hơn là của chính mình mà. Nếu không sống giữa những người văn hóa hơn, xịn hơn, thì cũng khó để họ tiếp biến bản thân thành phiên bản xịn hơn. Điều đáng buồn là nhiều khi sự thành công và vị trí của họ khiến nhiều người xung quanh dần coi mức độ văn hóa của họ là chuẩn mực.

    Tuy thế, định nghĩa văn hóa của mỗi người cũng khác nhau, không nhất thiết khác nhau nghĩa là ai cao hơn ai. Ví dụ như mọi người thường coi nói tục chửi bậy là thiếu văn hóa, nhưng mình lại thấy chửi bậy mà chửi đúng, chửi hay thì lại cần đến rất nhiều văn hóa đấy chứ.

    Liked by 1 person

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.