Lỗi lầm của con tim là loại lỗi lầm đáng tha thứ nhất trong các loại lỗi lầm mà loài người mắc phải.
Ngày xưa có một chuyện tình (Nguyễn Nhật Ánh)
Như bác Nguyễn Nhật Ánh có viết ngay phần gập vào của bìa sách, rằng công việc viết văn là chấp nhận sống dưới áp lực thường trực và từ nhiều phía: áp lực của độc giả, của sự đổi mới và áp lực của sự vượt qua chính mình. Đúng là khi đã có rất nhiều tác phẩm thành công trước đó cũng như được mệnh danh là một trong những nhà văn xuất sắc nhất của văn học Việt Nam, thì việc được độc giả luôn ngóng chờ và kỳ vọng vào tác phẩm tiếp theo của mình vừa là một vinh dự nhưng cũng là một áp lực không nhỏ dành cho bác Ánh. May sao, ‘Ngày xưa có một chuyện tình’ vẫn là một tác phẩm xuất sắc, và theo quan điểm cá nhân của mình thì nó thậm chí còn thuộc top 3 tác phẩm hay nhất của nhà văn từ trước đến giờ.
Câu chuyện mở ra khi Phúc và Vinh vẫn còn đang là những cậu học trò trong sáng, hồn nhiên; nhờ những lần giúp đỡ nhau đấu lại bọn to con chuyên bắt nạt ở trường mà trở thành bạn. Hai đứa trở thành bạn thân lúc nào không hay, cùng nhau chia sẻ mọi thứ từ cây cà rem hội bạn “cúng” cho thằng Phúc để được nghe nó kể chuyện, cho đến việc thằng Vinh thích thầm nhỏ Miền từ lâu mà không dám nói, hay đúng hơn là chính nó còn không dám chắc. Lúc đầu khi có thêm nhỏ Miền vô nhóm thì còn vui hơn bởi thằng Vinh có cớ mà lân la trò chuyện cùng đứa con gái nó thầm thích, nhưng rồi tình bạn giữa ba người chợt rẽ hướng không ngờ và trở thành một câu chuyện tình tay ba với nhiều cung bậc cảm xúc đan xen, kéo dài cho đến tuổi trưởng thành của ba người.
‘Ngày xưa có một chuyện tình’ vì thế là một câu chuyện trải dài từ thời học trò vô tư hồn nhiên của các nhân vật chính cho đến khi họ trưởng thành, trở thành những người lớn cần có trách nhiệm với chính cuộc sống và quyết định của mình. Cách tác giả khắc họa nét tính cách cũng như sự thay đổi của mỗi nhân vật trong quá trình lớn lên thực sự ấn tượng, khiến người đọc có cảm giác như chính họ cũng đã lớn lên cùng bộ ba Phúc, Vinh và Miền vậy.
Truyện dài này của bác Ánh cũng có những câu văn về tình yêu đáng phải ghi vào quyển sổ note, để mà ngẫm thêm nhiều lúc nữa. Đơn cử như đoạn văn sau “Hy sinh dĩ nhiên là một phẩm chất của tình yêu, thậm chí là phẩm chất cao nhất, nhưng trong tình yêu người ta có thể hy sinh tất cả, trừ người mình yêu. Nếu ta hy sinh cả người mình yêu thì có nghĩa cơ hội yêu bị dập tắt và tình yêu không còn tồn tại. Bởi yêu là yêu một con người chứ không phải yêu một khái niệm, ta yêu một đối tượng cụ thể chứ không phải yêu đường viền hay ảnh chiếu của đối tượng đó.” Xuyên suốt 342 trang sách, tình cảm Vinh dành cho Miền chưa bao giờ tắt, có chăng nó chỉ chuyển từ cái thầm mến cô bạn cùng lớp thành một thứ tình cảm sâu sắc, vị tha và bền bỉ hơn mà thôi. Đọc xong tác phẩm này của bác Ánh, mình cũng biết thêm rằng tình yêu có vô vàn định nghĩa và cách thể hiện, và rằng cuối cùng tình yêu nào mới là đúng với bản thân mình thì chỉ có vào đúng khoảnh khắc ấy mình mới nhìn ra được.
Đọc ‘Ngày xưa có một chuyện tình’ sẽ thấy truyện không chỉ nói về chuyện tình mà còn trải dài ra những câu chuyện về tuổi học trò, về tình bạn, tình thương, tình gia đình và tình nghĩa của những con người tại thị trấn nhỏ trong đó. Đọc để mà lại thêm một lần xuýt xoa cảm thán cái tài viết của bác Nguyễn Nhật Ánh, và biết đâu đấy có thêm can đảm mà ngỏ lời với người mình thầm thương.
One thought on “Review | Ngày xưa có một chuyện tình”