Chia sẻ về việc chạm mốc 100 quyển sách

Mình không nhận bản thân là một mọt sách hay người am hiểu sâu rộng về sách, mà đơn giản chỉ là một người yêu việc đọc. Bắt đầu với quyển sách đầu tiên vào khoảng cuối năm 2017, cho đến ngày hôm nay khi mình chạm mốc 100 quyển sách thì bản thân vẫn tự thấy mình còn đọc ít lắm. Việc đánh dấu cột mốc này, vì vậy, vừa là để tự động viên bản thân và cũng để tạo thêm cú hích giúp mình đọc được thêm nhiều đầu sách hơn nữa trong tương lai. 

Cuốn sách mở ra hành trình đọc của mình là ‘It Ends With Us’ – một cuốn tiểu thuyết lãng mạn của Colleen Hoover. Hiện tại mình không còn nhớ lý do vì sao mình đặt mua quyển sách này, nhưng trải nghiệm khi đọc thì vẫn còn khá rõ. Đó là lần đầu tiên mình đọc một cuốn sách hoàn toàn bằng Tiếng Anh mà không phải để phục vụ cho việc học, và thực sự đến giờ ‘It Ends With Us’ vẫn là một trong những tiểu thuyết tình cảm lãng mạn hay nhất mình từng đọc. Thực ra thì mình cũng gặp may khi đến giờ cuốn sách vẫn là cuốn được đánh giá cao nhất trên Goodreads của tác giả, và nội dung câu chuyện được kể có lẽ vẫn sẽ giữ nguyên được cái hay thêm nhiều năm nữa, bởi mình nghĩ vấn đề nhân vật chính phải trải qua có lẽ ai cũng đã từng được nghe, được kể, hay chính bản thân đã từng trải qua. Nếu cuốn sách đầu tiên mình đọc mà đã không hay thì có lẽ hành trình đọc sách sẽ gian nan hơn rất nhiều rồi 😀

Có một điểm đáng chú ý trong số 100 cuốn sách mình đọc, đó là những đầu sách fiction mình yêu thích nhất đều được kể bởi nhân vật nữ, và những đầu sách non-fiction mình tâm đắc nhất thì lại được viết/kể bởi nam giới. Nếu để đưa ra một lý do chủ quan thì có lẽ bản thân mình dễ đồng cảm với những câu chuyện về cuộc đời của những người phụ nữ trong các trang sách ấy, với những chướng ngại vật họ phải đương đầu trong một thế giới ưu tiên phái mạnh và được điều hành bởi đa số là đàn ông. Đến giờ mình vẫn mê các tiểu thuyết của Colleen Hoover hay say (và không hề muốn tỉnh) trong những con chữ đầy tinh tế của Alice Munro với tác phẩm ‘Ghét, Thân, Thương, Yêu, Cưới’. Còn về mảng non-fiction, mình hợp đọc những suy luận logic và có tính khách quan của Malcolm Gladwell hay bác Đặng Hoàng Giang, thích thú khi khám phá ra những góc nhìn mới về sự việc qua con mắt của Michael J. Sandel trong ‘What Money Can’t Buy: The Moral Limits of Markets’ hay của Hans Rosling trong ‘Factfulness’. Tất nhiên, luôn có những nhà văn nam viết tiểu thuyết hay và những tác giả nữ với các tác phẩm non-fiction chất lượng, và một trong những mục tiêu đọc của mình trong tương lai chính là tìm thấy tác phẩm của họ. 

Trong số 100 đầu sách đã đọc, tất nhiên cũng có những quyển mình chỉ muốn đọc cho xong và không muốn cầm lên lại lần thứ hai. Lý do thì vô cùng, có lúc thì vì mình thấy chẳng học được gì từ những câu chữ dường như toàn sáo rỗng, lúc lại vì càng đọc càng phải thở dài ngao ngán vì cốt truyện rời rạc và ngôn từ nghèo nàn của tác giả. Tuy nhiên, như có nói trong một bài viết trước đây, việc đọc phải những tác phẩm ‘không hay’ cũng giúp mình rèn kỹ năng phân tích phản biện, cũng như nhận biết được rõ hơn những giá trị trong văn học mà tác phẩm ấy còn thiếu hay làm chưa tới.

Hành trình gần 3 năm với 100 quyển sách đã mang lại cho mình nhiều giá trị tinh thần và giúp mình hiểu hơn về cuộc sống cùng muôn mặt của nó. Mình tin là với quyển sách #101, #102,… bản thân cũng sẽ nhận được những giá trị tương tự và còn hơn thế nữa.

Photo by Krists Luhaers on Unsplash

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.