Những chuyện đó đây p.3

Chuyện số 1

Hôm rồi mình có việc qua Hồ Tây, lúc ra về vô tình đi lại chính cung đường 5 năm trước mình cũng từng đi về nhà từ chỗ học ôn thi ngày trước. Một loạt kỷ niệm không tên thời đó chen nhau ùa về, và những buổi ôn thi khi mình vừa bỏ học ngay kỳ hai năm nhất với một giấc mơ được tiếp cận giáo dục ở một vùng trời mới hiện lên rõ nét một cách bất ngờ. Mình của lúc ấy chẳng biết gì nhiều về Phần Lan, cũng chẳng mảy may lường trước những thách thức mình sẽ trải qua trong gần 4 năm ở đó. 

Những dòng suy nghĩ đan chéo vào nhau dẫn ra vô số ngả kỷ niệm, một trong số đó là những mối quan hệ ngắn ngủi với những người bạn cùng học ôn với mình. Bọn mình từng có chung một mục tiêu, cùng nhau đi qua hàng chục cây số để ôn thi với giấc mơ là những ngôi trường đại học phía bên kia bán cầu. Nhưng rồi ngày nhận kết quả báo đỗ cũng là ngày những mối quan hệ ấy đứt đoạn, và không lâu sau thì nhạt dần trong đống bộn bề lo toan của mỗi người khi chuẩn bị cho một chặng đường mới phía trước. 

Trong số những người bạn ấy, có một cô bạn mình ngưỡng mộ từ lúc còn học chung (hãy gọi bạn ấy là N). Khác với mình chưa một lần bước chân ra ngoài Việt Nam lúc ấy, N đã được cùng bố khám phá thế giới rộng lớn kha khá lần, và từ bạn ấy toát ra sự quyết tâm và tự tin mình ao ước có được. Hai đứa khá thân, và vào những lúc cao hứng nhất, mình đã nghĩ đến một tương lai hai đứa cùng nhận giấy đỗ và cùng nhau bắt đầu cuộc sống du học bên đó. Nhưng rồi tuy cùng vượt qua kỳ thi, con đường du học của hai đứa lại chẳng hề giao nhau, và sau buổi liên hoan cuối cùng tại trung tâm luyện thi, mình và N không gặp nhau hay liên lạc lần nào cho đến nay. 

Mình không chắc liệu giờ gặp lại, N có còn nhớ mình hay những kỷ niệm ôn thi chung không. Mình thì vẫn theo dõi bạn ấy thường xuyên trên mạng xã hội, và vì N rất tích cực cập nhật cuộc sống thường nhật của bạn ấy trên đó, mình cảm giác như mình đang duy trì một mối quan hệ bạn bè một chiều với N vậy. 

Mình vẫn mong sẽ có một cơ hội nào đó hai đứa gặp lại nhau và mình có thể nối lại một tình bạn này, hoặc tốt hơn là bắt đầu lại một tình bạn mới trên nền những kỷ niệm xưa. 


Chuyện số 2

Tháng rồi mình có đọc quyển “Cuộc sống bí mật của các nhà văn”, trong truyện có bàn về mối quan hệ trong một gia đình. Trong số những điều mình còn ngẫm , có một câu hỏi đánh đúng vào suy nghĩ của mình rằng “Khi người có lỗi chính là gia đình của mình thì liệu mình có trách nhiệm phải tha thứ cho họ không?” 

Những câu nói như “Dù thế nào thì đó vẫn là mẹ/ba/em của mày/em/con mà” đã trở nên quen thuộc, và được coi là một lý do chính đáng để yêu cầu ta tha thứ cho những gì gia đình ta gây ra, bất kể điều đó tác động đến ta như thế nào. Gia đình là một trong những mối quan hệ quan trọng và sâu đậm nhất trong cuộc đời mỗi người, đó là điều không thể phủ nhận. Và dù có căm ghét, từ mặt hay lẩn trốn như thế nào chăng nữa thì mối quan hệ đó đã được ràng buộc bằng chính ADN trong bạn và những người thân ấy, nghĩa là bạn chẳng thể cắt đứt hoàn toàn mối liên hệ với họ cho dù bạn có không thích điều đó đến như thế nào.  Vậy nhưng việc cắt đứt mối quan hệ với gia đình của mình và tha thứ cho lỗi lầm của họ thì có sự khác nhau nhất định, mình nghĩ vậy. 

Việc tha thứ cho một người có thể được hiểu theo hai hướng chính, một là bạn chấp nhận bỏ qua lỗi lầm của họ và đồng ý quay trở lại thời gian trước khi điều đó xảy ra; hai là bạn buông bỏ sự hận thù, căm tức họ trong lòng và giải thoát cho bản thân đồng thời xóa dần họ khỏi cuộc sống của mình. Nhưng với những người trong gia đình thì việc đó trở nên phức tạp hơn, bởi khi bạn không thể xóa họ khỏi cuộc sống nhưng cũng không thể quay trở lại cuộc sống bình thường như trước với họ, việc tha thứ trở nên bất khả thi hơn bao giờ hết. Mối quan hệ khi ấy sẽ giống như một sợi dây căng cứng, và trong nhiều trường hợp chỉ chực chờ đứt tung vào một ngày nào đó.


Chuyện số 3

Mấy hôm trước ngồi tán gẫu với đồng nghiệp, bọn mình có đề cập đến vai trò của con người trong cuộc sống, và rằng mỗi vai trò thực ra không khác gì một công việc full-time cả. Khi ta có quá nhiều vai trò nghĩa là ta đang cùng một lúc làm nhiều công việc full-time khác nhau. Đến một lúc nào đó ta sẽ dễ lơ là, mệt mỏi với một công việc ta ít hứng thú nhất trong thời điểm đó, dần chấp nhận rằng sức mình có hạn và chẳng thể làm tiếp công việc đó với 100% sức lực, hay tệ hơn là “nghỉ việc” hẳn để có thể sống tiếp. Mình thấy có nhiều điểm thú vị trong cách nghĩ này. 

Lấy ví dụ một chàng trai đang ở quãng giữa của tuổi 20s sẽ khá bận rộn với vai trò làm con trong gia đình, làm một nửa của ai đó, làm một nhân viên nhiệt huyết trong công ty và làm một người bạn lâu năm của một nhóm chơi thân. Đó là những vai trò cơ bản, và ở những hoàn cảnh đặc biệt số vai trò sẽ còn nhiều hơn thế. Việc duy trì cùng lúc bốn công việc full-time với mỗi việc đều đòi hỏi sự chú tâm, năng lượng và chất xám nhất định nhiều lúc sẽ khiến bạn không còn thời gian dành cho bản thân nữa. 

Việc ví von này có nhiều điểm tương đồng với thuyết “bốn bếp lửa” mình từng đọc được, rằng trong cuộc sống của một người bình thường sẽ cần giữ lửa cho ít nhất 4 cái bếp với số gas có hạn và tất nhiên số nhiên liệu đó sẽ không đủ để nổi lửa đủ to cho cả bốn bếp trong cùng một lúc. Việc của mỗi người khi ấy là liên tục điều chỉnh mức lửa ở bốn cái bếp sao cho không bếp nào nguội tắt và cũng không bếp nào lửa to quá mức cần thiết. 

Nói chuyện xong, mình ngẫm lại trường hợp của bản thân, hiện mới chỉ phải giữ lửa ba cái bếp thôi mà đã nhiều lúc gặp stress vì không cân bằng được cuộc sống. Có lẽ cũng chính vì vậy mà những người có điều kiện bây giờ đều ít nhiều dựa vào các thiết bị công nghệ để giúp đỡ họ trong việc duy trì số bếp bản thân đang nhóm, mục đích cuối cùng âu cũng vì muốn vẹn toàn mọi mặt trong cuộc sống của mình. 


Chuyện số 4

Cả nhà mình đều thích ăn phớ – một món quà vặt giản dị đầy mát lành vào những ngày hè oi bức. Mà bát phớ ngon nhất, với nhà mình, phải là vào một trưa nắng như đổ lửa, ngồi trong nhà thi nhau đổ mồ hôi và chợt nghe thấy tiếng rao quen thuộc của bác bán phớ “Ai phớ đây” với chữ phớ kéo dài vang vào tận trong con ngõ nhỏ. Lúc ấy, dù có đang làm gì ta cũng sẽ vội vàng nhảy mấy bậc cầu thang xuống tầng một, vơ nhanh chùm chìa khóa và cái bát sứ to nhất của nhà, lao ra theo hướng tiếng rao vừa dứt. Và không gì hấp dẫn mình hơn việc nhìn thấy từng lát phớ trắng muốt được vớt đều đặn vào bát, từng lớp từng lớp mềm mượt chồng lên nhau và được chan với hai thìa nước đường trắng. Bát phớ to và thơm mùi đậu nành quyện với nước đường gừng ấy vỏn vẹn có 10.000đ, nhưng ăn đứt những cốc trà sữa ngoài phố 60-70k và thi thoảng còn ngon hơn cả kem Tràng Tiền nữa. 

Hôm rồi mẹ ở nhà đúng tầm trưa bác phớ hay đi rao qua ngõ, mua được cho hai chị em bát phớ to bự tráng miệng buổi tối. Vừa ăn mẹ vừa kể cuộc nói chuyện thoáng qua với bác phớ, nghe mà tự ngẫm nhiều.

– Lâu lắm mới thấy cô mua phớ.

– Vâng, cả nhà cháu đi suốt, được hôm nay ở nhà đúng tầm trưa nghe tiếng bác rao là chạy ra mua liền. Bọn trẻ con nhà cháu chỉ thích phớ của bác thôi (cười). Bác đi bán thế này là đỡ phải tập thể dục bác nhỉ? 

– Hơn cả tập thể dục cô ạ. Ngày tôi đi gần 20 cây, tuổi ngày một già nếu không vì miếng cơm manh áo thì…

————————

Featured photo by Hiep Duong on Unsplash

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.