TÌM MÌNH TRONG THẾ GIỚI HẬU TUỔI THƠ

Gấp lại trang cuối cùng của quyển sách vào lúc hơn 6 giờ chiều, ngồi trong văn phòng và mất một lúc lâu mình chỉ ngồi im như vậy. Mình đến với quyển sách này cùng rất nhiều trông đợi, phần lớn là vì tác phẩm ‘Bức xúc không làm ta vô can’ rất ấn tượng – một trong những quyển sách yêu thích nhất của mình trong năm 2019. Và mình đã không thất vọng. 

TMTTGHTT nằm ở một level khác. Vẫn với cái nhìn tổng quan về hiện thực xã hội Việt Nam, những vấn đề thường nhật nhưng không tầm thường và đều bị ngó lơ hoặc chưa quan tâm đủ; quyển sách này đi sâu hơn, khai thác từ nhiều góc độ những câu chuyện không thể thật hơn về chủ đề không quá đặc biệt nhưng chưa bao giờ ngừng gây tranh cãi: giới trẻ hiện nay, tuổi thơ của chúng, và cách chúng trưởng thành. 

Trong quyển sách có hơn 10 câu chuyện, chuyện thật hơn cả 100% vì đôi lúc cái hiện thực trong những câu chuyện đó phũ phàng, xót xa khiến mình trong khoảnh khắc phải tự hỏi ‘đó là hiện thực của những nhân vật này ư?’. Những nhân vật đó, họ đều là những người trẻ đang sống, hay đúng hơn là chật vật tồn tại và khao khát đi tìm sự sống cho chính bản thân mình với hy vọng về một ngày mai rõ ràng hơn, tự do hơn và tươi sáng hơn. Đau lòng làm sao khi trên những con đường đi tìm và định nghĩa bản thân đầy khúc khuỷu ấy, những chướng ngại vật lớn nhất lại chính là những người thân yêu của họ. Những người thân, họ hàng, ba mẹ, anh/chị/em – những người được xã hội định nghĩa và tin rằng luôn yêu thương, gần gũi và hiểu ta nhất – đôi khi lại là nguồn cơn của những điều tồi tệ, đau khổ nhất ta phải trải qua. 

Có một điều mình nhận ra, chẳng biết là sớm hay muộn, nhưng có lẽ ít có gia đình nào thực sự hạnh phúc như những gì ta thấy ở hình ảnh của họ bên ngoài. Đọc câu chuyện chia sẻ của những người trẻ trong quyển sách này, tất cả đều chỉ trên dưới mình không quá 5 tuổi, mình vừa nhẹ nhõm vừa lo lắng và vừa sợ khi nhìn thấy bản thân và gia đình đâu đó trong những câu chuyện ấy. Nhẹ nhõm vì mình không phải người duy nhất có những cảm xúc và suy nghĩ mình những tưởng là khác biệt, lo lắng khi đôi khi những vấn đề được nêu ra thật giống với những trải nghiệm tuổi thơ của chính bản thân và sợ khi nghĩ đến những hậu quả nặng nề hơn có thể đã xảy ra hay sẽ xảy đến. 

Đi ‘tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ’ thật sự không dễ dàng, bởi những nhân vật trong sách dường như đã lạc mất bản thân từ trong chính tuổi thơ của họ rồi. Họ hoặc bị buộc phải kìm nén cảm xúc tâm tư, bóp méo bản thể cá nhân, hay gò mình vào khuôn mẫu người khác đặt ra,…dù bằng hình thức nào thì bản thân họ hôm nay cũng đã thay đổi quá nhiều. Có người hoang mang không biết đâu mới là con người thật của mình, có người quằn quại đau đớn vì đã quá muộn để đi tìm lại mình, có người nhận ra nhưng rồi vẫn buông xuôi và phó mặc. Tất cả đều đau lòng. 

Quyển sách này, đối với những người trẻ như mình, như một cánh cửa dẫn vào một thế giới nơi có những người trẻ khác cùng tâm tư, lo âu và cũng đang trên hành trình tìm kiếm bản thân, để họ bớt thấy cô đơn và tuyệt vọng. Nó cũng là câu trả lời cho những câu hỏi mà ta không ý thức được rằng mình muốn biết cho đến khi giở trang sách đầu tiên, câu trả lời cho những cảm xúc không đặt được tên hay những hành động, thói quen mà ta cứ ngỡ do mình bị “lỗi” gây ra. Mọi thứ, đều có lý do của nó. 

Còn đối với những bậc phụ huynh, có lẽ quyển sách sẽ như một gáo nước lạnh nhưng cần thiết để giúp họ nhìn ra sự ảnh hưởng của họ lên tuổi thơ của con em mình, sự tác động mạnh mẽ của một lời nói tưởng như vô hại lên tinh thần và đời sống của con mình suốt hàng chục năm sau. Và quan trọng hơn hết, là để họ hiểu hơn về những người trẻ, những khó khăn họ đang phải đương đầu và con đường trưởng thành họ đang phải đi gian nan như thế nào. 

Nếu có thể, mình thực sự muốn tặng quyển sách này cho tất cả những bậc phụ huynh ở Việt Nam, hy vọng sau khi đọc họ có thể thay đổi, dù ít dù nhiều; thay đổi để trở thành một người thân thực sự, một mái nhà đúng nghĩa của những người trẻ luôn cần và khao khát tình yêu thương. 

Thực sự, “có nhiều đứa trẻ vẫn đang chống chọi từng ngày để lớn lên thành người tử tế.”

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.