Đọc “Ghét, Thân, Thương, Yêu, Cưới” và khám phá muôn mặt của tình yêu và hôn nhân

Ghét, Thân, Thương, Yêu, Cưới là tập truyện ngắn của Alice Munro – người từng đoạt giải Nobel Văn học vào năm 2013 và đươc đánh giá là “một trong các nhà văn đương thời lớn nhất về văn học hư cấu” hay “bậc thầy về truyện ngắn hiện đại”.

Mình đến với tác phẩm, giống như đa số những lần khác, một phần lớn nhờ ấn tượng với bìa sách. Thực sự, nếu chỉ được chọn một điểm để khen Nhã Nam thì đó chính là đội ngũ thiết kế trang bìa luôn khiến mình phải trầm trồ và xuýt xoa trước những tác phẩm của họ. Bìa quyển sách này được thiết kế giống như một trang giấy kẻ dòng loại cũ thời xưa hay dùng, và từ tiêu đề sách cho đến tên tác giả đều được viết với font chữ giống viết tay ngay ngắn trên các dòng kẻ. Điều đó khiến quyển sách mang ấn tượng mộc mạc, gần gũi và có nét riêng tư – như viết dành cho những trái tim và tâm hồn muốn tìm hiểu cũng về những cảm xúc mộc mạc, gần gũi và riêng tư nhất của con người vậy.

Thú thật là mình vốn ngại những quyển sách nào được đánh giá rất cao về mặt chuyên môn và tác giả là người nhận được những giải thưởng hàn lâm ( như Nobel chẳng hạn) vì mình cảm thấy bản thân chưa đủ chín chắn và sâu sắc để thấu cảm được hết dụng ý và bài học trong các tác phẩm đó. Tuy nhiên mình đã quyết định thử với Ghét, Thân, Thương, Yêu, Cưới; và thật may là mình đã chọn đúng.

Tác phẩm gồm chín truyện ngắn và đều viết về những cảm xúc đã được giới thiệu ngay trong tiêu đề sách với nhân vật chính là những mối quan hệ tình cảm phức tạp và tinh vi, theo một cách mà người đọc thực sự không thể đoán trước dù rằng câu chữ chẳng hề lắt léo hay phức tạp đến thế. Đó có lẽ cũng chính là cái tài tình của nhà văn Alice Munro, tài tình trong việc sử dụng ngôn từ chính xác, khéo léo và đầy cảm xúc. Cách bà viết luôn khiến mình phải tò mò dù rằng đã biết hết mọi chi tiết, thấy bứt rứt dù rằng câu chuyện đã kết thúc có hậu, khiến mình mỗi lần đọc xong một truyện lại phải ngẫm nghĩ hồi lâu rằng rốt cuộc thì đây là mối quan hệ như thế nào và tình cảm ấy được định nghĩa là gì cho đúng.

Khi đọc Ghét, Thân, Thương, Yêu, Cưới, mình có đôi lúc trải qua cảm giác như khi đọc các tác phẩm của Haruki Murakami, cái cảm giác biết rõ mình chưa nhìn được hết bức tranh ấy nhưng lại chẳng thể tìm ra những mảnh ghép còn lại. Có lần mình hỏi một cô bạn cũng đọc sách của Murakami, rằng có thể giải thích cho mình những chỗ mình còn băn khoăn hay không, thì nhận được câu trả lời “Nếu mày hiểu hết văn của Murakami ý, thì khi đấy nó không còn là văn của Murakami nữa.” Mình cũng có cảm giác tương tự như vậy khi đọc những mẩu truyện ngắn trong tác phẩm này, tuy rằng cốt truyện không đến mức quá trừu tượng và khó hiểu.

Đọc xong tác phẩm, mình chẳng dám nhận là đã tỏ tường về chuyện tình yêu và hôn nhân, nhưng có thể nói là đã hiểu hơn một chút về tính đa chiều và phức tạp mà bất cứ mối quan hệ tình cảm nào cũng có. Đôi khi đó là cả năm xúc cảm cùng hòa vào, đôi khi lại là một thứ tình cảm nào đó không tên, lơ lửng giữa những cảm xúc ta đã đặt tên thành công. Tuy chín truyện ngắn viết về chín hoàn cảnh, mối quan hệ, nhân vật hoàn toàn khác nhau; nhưng điểm chung mình cảm nhận được là chiều sâu cảm xúc trong những mối quan hệ ấy.

Tác phẩm đắt giá, từ dòng chữ ngay bìa sách ghi “Nobel Văn chương 2013” cho đến từng chi tiết trong các câu chuyện. Thứ duy nhất không đắt chính là giá tiền của quyển sách, không đắt vì với số tiền đấy bỏ ra thứ bạn có lại chắc chắn không phải chỉ là hơn 300 trang sách đọc rồi quên.

Ghi chú nhỏ: Một điểm cộng khác ở tác phẩm này chính là phần dịch xuất sắc của nhà sách, đặc biệt khi không hề dễ để dịch nguyên tác sang một thứ tiếng khác mà vẫn giữ được cái chất mà bản gốc mang lại. Mình có đọc thử một vài trang bản tiếng Anh (bản gốc), và thấy vậy.

One thought on “Đọc “Ghét, Thân, Thương, Yêu, Cưới” và khám phá muôn mặt của tình yêu và hôn nhân

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.