Book review | Con ngựa bước vào quán bar

Tên quyển sách này nghe như câu mở đầu của một câu chuyện cười. Đúng thế. Và cũng sẽ chẳng có gì ngạc nhiên khi tác giả lấy câu mở đầu ấy để đặt tên cho cuốn sách viết về một buổi diễn hài độc thoại hơn hai tiếng, ngoại trừ việc nó không mang lại tiếng cười.


Mình có hứng thú với quyển sách này sau khi đọc post review ngắn trên Instagram của chị Thùy Minh, và trong đợt hội chợ sách tại công viên Thống Nhất vừa rồi đã quyết định mua nó. Bìa sách được thiết kế khá bắt mắt và nổi bật lên giữa hàng ngàn đầu sách khác với nền đen chữ vàng, cùng hình minh họa người diễn hài độc thoại đang đứng trước chiếc micro với ánh đèn chiếu rọi xuống nửa người anh ta.

Nhân vật chính là Dovaleh Greenstein, một kẻ diễn hài độc thoại và bối cảnh nằm trong một quán bar tại Netanya, Isarel. Truyện được kể theo ngôi thứ nhất, người kể là bạn cùng lớp học thêm trước đây của Dovaleh, nay là một thẩm phán đã về hưu mang trong mình nỗi nhớ người vợ đã mất không nguôi.

Thú thật là mình đã hơn một lần cảm thấy nản khi đọc quyển sách này, và sự chán nản đó kéo dài hết một phần ba quyển sách. Đa phần cảm giác này xuất phát từ việc mình thấy nội dung diễn biến không có gì hứng thú, cách kể chuyện của tác giả khá khó hiểu, và những màn nửa pha trò nửa chế giễu mỉa mai của nhân vật chính liên quan rất nhiều đến Thế chiến thứ hai và các sự kiện lịch sử liên quan đến người Do Thái và Isarel – những kiến thức mình không rành. Nhưng rồi mình cũng gắng được đến gần giữa quyển sách, và từ đây thì mình bắt đầu bị nó thu hút.

Từ đây, Dovaleh bắt đầu giảm bớt những câu chuyện cười lại và lồng vào dần những chi tiết về cuộc đời mình khi còn là một đứa trẻ mười mấy tuổi. Thi thoảng, anh vẫn nhấn mạnh với khán giả của mình rằng đây là câu chuyện mà “quý vị” là những người đầu tiên được nghe, rồi bồi thêm vài mẩu chuyện cười chưa tới nhưng đủ để giữ sự quan tâm, hứng thú của họ.

Càng về sau, câu chuyện càng trở nên nghiêm túc và cảm xúc của Dovaleh càng khó kiểm soát hơn. Cùng với đó là sự thay đổi thái độ của khán giả – những người “trả tiền để xem hài chứ không phải nghe kể lể chuyện đời tư”: nhẹ thì là những tiếng thở dài ngao ngán, nặng hơn thì có những tiếng xùy phản đối, những cái đập bàn không kiêng nể yêu cầu Dovaleh quay lại với những câu chuyện cười đầu chương trình.

Nhưng có vẻ như một khi câu chuyện đã bắt đầu thì nó chẳng thể dừng lại được nữa. Dovaleh vẫn cứ say sưa kể, mỗi lúc một gấp gáp hơn như sợ rằng khán giả sẽ bỏ đi hết trước khi anh kịp kể xong. Rồi cũng có vài người không chịu nổi nữa và rời đi. Thêm vài người nữa. Thêm vài chục người nữa. Số khán giả cứ thế ít dần đi, cho đến khi Dovaleh chẳng buồn đếm nữa. Hoặc đơn giản là anh chẳng còn đủ sức để mà làm vậy. Anh cần dành sức cho việc kể chuyện – điều quan trọng nhất, và với tình trạng sức khỏe mỗi lúc một tệ thì ngay cả việc kể cho tròn vành rõ chữ cũng đã là một thử thách.


Trên hành trình tìm lại tuổi thơ và cũng như tìm lại chính mình của Dovaleh, có cả câu chuyện về tình bạn giữa nhân vật tôi và Dovaleh cũng như câu chuyện về gia đình anh được phác họa chân thật và đầy cảm xúc.

Nếu xét trên tiêu chí các mối quan hệ xã hội, Dovaleh thực là một kẻ đáng thương khi có một người mẹ anh hết mực thương yêu nhưng lại chỉ có thể dành nhiều nhất là một tiếng đồng hồ ở bên và pha trò đổi lấy nụ cười của bà; một người cha tưởng như hoàn hảo khi làm đủ nghề để nuôi gia đình và thương yêu vợ vô điều kiện nhưng lại chẳng ngại giáng đòn xuống đứa con trai của mình mà không mảy may quan tâm lý do đằng sau những hành động ngược đời của nó. Và người bạn duy nhất cậu bé Dovaleh ngày ấy có được thì lại chẳng đủ dũng cảm để đứng lên và đi về phía cậu khi cậu cần nhất.

Trong quá trình đọc sách, mình cảm giác quyển sách này có đôi nét tương đồng với quyển Đi tìm lẽ sống của Viktor Frankl, nhất là khi nội dung của cả hai đều nói về thời kỳ Thế chiến thứ hai. Cảm giác bức bối, day dứt khi đọc những dòng chữ và sự thương cảm dành cho nhân vật chính khi đọc Đi tìm lẽ sống cũng xuất hiện khi mình đọc tác phẩm này.

Với quyển sách này, David Grossman đã thành công trong việc thể hiện sự châm biếm đối với xã hội cả xưa và nay, nơi người ta chỉ thích nghe những câu chuyện cười mà lảng tránh sự thật đau lòng. Tác giả cũng mượn câu chuyện của Dovaleh để phác họa góc nhìn của mình về chiến tranh nói chung và Thế chiến thứ hai nói riêng, cũng như sự ảnh hưởng của nó lên những người dân vô tội và đáng thương.


  • Goodreads rating: 3.54 / 5
  • My rating: 4 / 5
  • Recommended

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.