Có bao người vừa đi qua phố
Có một phố vừa đi qua phố
Có chút lòng khẽ chạm … làn rêu.
Đinh Vũ Hoàng Nguyên
“Có một phố vừa đi qua phố” được xếp vào mục tạp văn, nghĩa là một tác phẩm mà người đọc có thể tìm hiểu, nghiền ngẫm theo bất kì cách nào họ muốn. Và kể cả trước khi biết được điều đó, mình cũng đã đọc quyển sách này theo một cách ngẫu hứng nhất từ trước tới giờ.
Lúc ban đầu mình dự tính đọc từ đầu đến cuối, theo trình tự mục lục. Nhưng đọc được dăm ba bài thơ đâm chán, chẳng còn động lực theo tiếp nên nhảy phắt sang mục truyện. Đọc thử một bài. Thấy hay hay. Tiếp bài thứ hai, ba, bốn,.. Đến khi đọc được 1/3 phần truyện thì mình lại lật trở lại phần thơ, mở trang bất kì trúng bài nào đọc bài đó. Rồi mình lại lật về tận cuối sách, xem mục lục, thấy tên bài nào kêu thì nhảy cóc luôn qua bài đó. Rồi trùng hợp thay cái bài có tên kêu ấy là bài tiếp theo của phần truyện bị bỏ dở. Thế là mình đọc một lèo hết phần truyện, sau đó quay lại đọc lướt hết phần thơ, thấy bài nào có vẻ hay thì dừng lại đọc hết.
Quyển sách được chia làm hai phần chính là thơ và truyện. Thú thực là mình không thích phần thơ, vì mình không cảm được mấy cái chất thơ của tác giả cũng như ý nghĩa ẩn trong các câu vần. Đến tận thời điểm viết bài post này thì mình cũng chưa đọc hết tất cả các bài, và có lẽ trong số những bài đã đọc, thì “Đi qua” là bài đi vào lòng mình nhất.
Ta đi qua một lần sen úa
Mới biết mình chưa hiểu một làn hương.
Ta đi qua một lần người hát
Mới biết mình chưa hiểu một niềm đau.
Ta đi qua một lời không ngỏ
Mới biết mình chưa hiểu mình đâu!
Ta đi qua một ngày thật lặng
Chợt giật mình, chưa hiểu về nhau.
Đi qua – Đinh Vũ Hoàng Nguyên
Thất vọng với phần thơ bao nhiêu, thì mình “thỏa mãn” khi đọc phần truyện bấy nhiêu. Mỗi mẩu truyện tác giả viết đều rất thật và có hồn, khiến mình cảm giác như chúng được bê nguyên xi từ cuộc sống thường nhật vào trong các trang giấy vậy.
Tuy nhiên, cái sự thỏa mãn ấy chẳng đến ngay lập tức. Khi đọc một hai mẩu truyện đầu, mình phải nán lại đôi chút để tiếp nhận những cụm từ tế nhị, những câu chửi thẳng và thật của các nhân vật mà tác giả đưa vào rất… tỉnh. Vốn chưa bao giờ ưa cái cách nói thô tục nên mình thừa nhận là đã thấy chúng phản cảm đôi chút. Thêm nữa là những quan điểm, những suy nghĩ của nhân vật trong các mẩu truyện phần lớn thuộc về thế hệ trước và có đôi điều đã không còn phù hợp và đúng đắn trong xã hội ngày nay nữa.
Lão Hoán chân khẳng khiu, quần đùi rộng, lại nhàu như lò xo, lúc ngồi ăn chim thòi ra mâm. Ngà trở đầu đũa gắp chim lão Hoán, bảo: “Tưởng miếng thịt!” Lão hoảng, bật nhỏm dậy, cộc đầu vào thành máy khâu. Chồng Ngà đang kê chén rượu lên miệng, đổ oạch ra cười sặc sụa, sùng sục ho. Mụ Điếc bảo: ” Con đĩ kia sao mày vô duyên thế!”
trích “Nhà cuối ngõ” trong phần Truyện ngắn
Nhưng dần dà, càng đọc mình lại càng bị cuốn hút bởi cái hành văn ấy. Tục mà lại có duyên, bậy mà lại chỉ thấy buồn cười; cái phản cảm ban đầu dần tan biến lúc nào không hay. Về đến những trang gần cuối của quyển sách, mình đã thực sự bị tác giả thuyết phục với lối viết đi vào lòng người ( theo một con đường rất lạ) ấy, phần nào dịu đi cái định kiến “nói/chửi bậy là xấu”.
Có một điểm mà mình rất mê khi đọc những mẩu truyện trong quyển sách này, đó là cách dùng từ của tác giả. Những tính từ, động từ hết sức tượng hình tượng thanh được đưa vào trong câu giúp người đọc có thể tưởng tượng được trọn vẹn cái hình ảnh đang được miêu tả. Những danh xưng, nickname cho các nhân vật sao mà hợp lý và gần gũi vô cùng, tạo cảm giác như đọc xong là đã có đôi phần quen biết với họ.
Mỗi chữ, mỗi câu, mỗi tình tiết dường như cũng đều được tác giả chọn lọc rất cẩn thận và sắp xếp logic, hợp lý. Đọc mà cảm thấy mọi chi tiết đều rất đúng và đủ, không thừa không thiếu lấy một dấu, đọc mà cứ tự hỏi sao tác giả … hiểu mình thế, biết chỗ nào có thể khiến mình cảm động, chỗ nào khiến mình phải tủm tỉm cười không dứt.
Có những mẩu truyện đọc xong phải ngẫm, có những mẩu thì đã bật cười khi còn chưa kết thúc và có những mẩu thì phải đọc lại thêm (nhiều) lần nữa.
Có thể nói, Đinh Vũ Hoàng Nguyên có một lối viết rất “đời”, rất độc, chỉ cần đọc vài câu có lẽ đã có thể nhận ra văn phong. Những câu chuyện đọc cảm thấy giản dị, đời thường, mà sao qua cách viết của tác giả lại hấp dẫn đến vậy.
Đọc tác phẩm mình cũng thêm một lần nhận ra, rằng Tiếng Việt hay và kì diệu thế nào qua cách mà những từ ngữ nhảy múa, kết hợp với nhau thành câu; cách mà chỉ những từ ngữ ấy mới có thể trọn vẹn biểu đạt những điều mang đậm chất Việt Nam.
Đúng như nhà báo Thu Hà đã bình trong lời mở đầu sách: ” Chuyện là của riêng, mà viết ra khiến người không can dự phải đọc không dứt được, thế có nghĩa là tài. Thế có nghĩa là người viết đã mở được cửa cho đời vào.”