Trung Đông trong suy nghĩ của mình từng là một điều gì đó rất mơ hồ. Mơ hồ bởi trong suốt 19 năm mình ở Việt Nam, mình nhận biết về Trung Đông qua các bản tin thời sự, qua các tít báo giật gân trên mang với nội dung chẳng mấy tốt đẹp: hết đánh bom, khủng bố rồi đến các vụ thảm sát của tổ chức hồi giáo cực đoan, … – những sự kiện mà trải qua một lần trong đời thôi đã là quá đủ và là điều mà nhiều người cảm thấy như đang diễn ra ở một dòng thời gian hoàn toàn khác bởi những hình ảnh ấy đối lập không tưởng với một thế giới hòa bình mà con người ta biết. Việc tiếp nhận thông tin một chiều và không trực tiếp khiến cho hình ảnh của các nước Trung Đông và người dân ở đó trong suy nghĩ của mình bị méo mó ít nhiều.
Tuy nhiên, thật may là mình đã có cơ hội đi du học, được tiếp xúc trực tiếp với những người Trung Đông bên này, và quan trọng nhất là đọc được bộ ba quyển sách viết về cuộc sống thực sự đằng sau những tin tức trên truyền thông kia, chắp bút bởi những tác giả đã thực sự trải nghiệm cuộc sống ở vùng đất đầy biến động ấy,
Những lần hiếm hoi mình tiếp xúc với người Trung Đông
Đến tận khi qua Phần du học được một thời gian, mình vẫn giữ ít nhiều định kiến về người Trung Đông và cái định kiến ấy lần đầu lung lay vào thời điểm này hai năm trước.
Lúc đó là kì đầu tiên của năm hai, mình vừa đi học vừa đi làm part-time cho một công ty dọn dẹp bên này. Mình làm các thứ bảy hàng tuần, mỗi tuần tám tiếng, có nhiệm vụ là lau bàn làm việc, tủ đồ và dọn túi rác của tầng hai một tòa công ty bảo hiểm. Làm cùng với mình là một bạn nữ người Nga với công việc y chang ở tầng một, và một bạn nam người Pakistan chịu trách nhiệm hút bụi cả hai tầng. Chuyện sẽ chẳng có gì vì thông thường ai làm việc người đấy, có chăng chỉ chạm mặt nhau lúc giờ nghỉ trưa hay tan ca, làm liên tục trong tám tiếng còn chưa chắc kịp xong nên cũng chẳng có hơi sức đâu mà đi nói chuyện với nhau. Cho đến một hôm lúc mình đang cặm cụi dọn nốt khu cuối cùng thì bạn nam người Pakistan đi đến, hỏi mình rất ngạc nhiên ” sao qua tận đây dọn làm gì?”. Lúc đó mình ớ người ra, bảo là tưởng phải dọn hết tầng hai, thì bạn ấy lắc đầu quầy quậy bảo “Không phải đâu, khu này thứ hai hàng tuần có người dọn rồi, không ai chỉ cho m à?” Đến lượt mình lắc đầu.
Lúc sau khi tan ca, mình khệ nệ khéo 7,8 túi rác to đi đổ, lại thấy bạn ấy xuất hiện, bảo mình đứng đợi đó bạn ấy đi lấy cái xe đẩy chất lên cho, rồi hồi sau thành ra bạn ấy tự chất túi rác rồi tự đẩy xe luôn, bảo mình đi trước mở cửa sẵn là được rồi. Từ sau hôm đó, ngày nào bạn ấy hút bụi xong cũng qua chỗ mình dọn giúp lồng túi rác và đi đổ rác, dù bạn ấy hoàn toàn có thể tan làm sớm. Mình lúc đấy thấy biết ơn lắm luôn, và dần dần cũng trò chuyện với bạn ấy nhiều hơn những lúc làm chung.
Rồi một hôm khi đã xong việc quay lại phòng nghỉ, bạn ấy nói với mình là từ tuần sau không đi làm nữa, lí do là vì bạn ấy thực ra chỉ đang làm giúp cho một người bạn bận viết khóa luận, bây giờ bạn đó viết xong rồi nên sẽ quay lại đây làm. Mình hỏi vậy thì có xin được việc ở chỗ khác không, bạn ấy nói là chưa biết. Rồi nghĩ thế nào, bạn ấy kể thêm rằng người phụ trách bọn mình có đề nghị là bạn ấy cứ tiếp tục làm ở đây đi, nhưng bạn ấy đã từ chối ngay vì như thế có nghĩa là mình gián tiếp cướp việc của bạn kia và “bạn bè thì không làm như vậy với nhau”.
Cũng ngay trong buổi làm cuối hôm đó, khi đang đi đổ rác cùng nhau, bạn ấy quay sang mình nói ” M cần tự đấu tranh cho bản thân, cái gì là quyền của mình thì mình phải đòi. Mình không làm thì chẳng ai làm cho mình đâu, đừng để bị bắt nạt.” Cái định kiến bao năm của mình sụp đổ từ lúc đó. Mình nhận ra mình sai đến nhường nào, khi chỉ nhìn vào hoàn cảnh đất nước mà đánh giá cả một dân tộc, tự gán cho họ những điều tưởng như đương nhiên khi mà mình còn chưa trực tiếp tiếp xúc. Người bạn Pakistan ấy ( thậm chí bọn mình còn không biết tên nhau), đã dạy cho mình những bài học để đời như thế.
Bên cạnh đó thì mình cũng từng crush một bạn cùng lớp là người Phần lai Trung Đông ( trong mắt mình thì đến giờ bạn ấy vẫn là perfect crush material với vô vàn ưu điểm từ ngoại hình, kĩ năng ngoại ngữ đến tài lẻ); từng tham dự đôi ba buổi hội thảo với một bạn người Trung Đông định cư ở Phần được bốn năm mà tính cực kì dễ thương, mình chỉ nói bâng quơ vài câu là đang tìm lớp học thêm tiếng Phần mà dành cả giờ giải lao lướt điện thoại chỉ mình cách tìm lớp nào phù hợp, vv
Mình nhớ đã đọc đâu đó một đại ý rằng dù ở nơi tốt đẹp nhất vẫn có người xấu và ở nơi tồi tệ nhất vẫn luôn tồn tại người tốt. Vậy nên, dù cho cả một vùng Trung Đông có đang hỗn loạn, bầu trời Trung Đông có bị bao phủ bởi bức màn của những sự kiện đầy tai tiếng, thì mỗi người dân nơi ấy vẫn luôn đáng được tiếp nhận như một cá thể riêng biệt và độc lập, như chính bản thân con người họ mà không có cái mác Trung Đông. Và thực ra thì, ai cũng xứng đáng được đối xử như vậy.
Bộ ba quyển sách về Trung Đông
… lần lượt là Ngàn mặt trời rực rỡ, Con đường hồi giáo và Người đua diều. Ba cuốn sách kể trên có điểm chung lớn nhất là viết về Trung Đông, điểm chung lớn thứ hai là khiến cho mình rơi vào trạng thái “lặng” vài giây sau khi đọc xong, và điểm chung thứ ba là chiếm trọn tâm trí mình trong suốt thời gian đọc chúng.
Về Ngàn mặt trời rực rỡ và Người đua diều, hai tác phẩm này cùng được chắp bút bởi nhà văn Khaled Hosseini và nói về những lát cắt cuộc sống trong thời loạn lạc ở Afghanistan. Nếu một tác phẩm bàn về cuộc sống của người phụ nữ Afghan trong thời chiến tranh với lối kể chuyện cuốn hút, đầy thuyết phục và có góc nhìn đa chiều của hai nhân vật chính đến từ hai thế hệ, cho người đọc thấy sự hy sinh cao cả và tình mẫu tử có thể vượt lên tất cả; thì tác phẩm kia là một câu chuyện đầy tình thương xen lẫn sự day dứt, hối hận, với những cuộc đời đan xen nhau không ngờ của những người đàn ông Afghan. Hai tác phẩm đối với mình đều là tuyệt tác, dù rằng mình có yêu Ngàn mặt trời rực rỡ hơn một chút, có lẽ vì mình cũng là con gái/ phụ nữ và từ lâu đã luôn coi trọng sự bình đẳng giới chăng?
Mình đọc Ngàn mặt trời rực rỡ vào đầu năm, và vừa đọc xong Người đua diều cách đây vài ngày; cảm giác như một năm đọc sách của bản thân được mở ra và đóng lại một cách trọn vẹn vậy.
Khác với hai tác phẩm kể trên, Con đường hồi giáo là một cuốn du ký không thể thực tế hơn của chị Nguyễn Phương Mai, mở ra cho người đọc cả một vùng Trung Đông với vô vàn màu sắc và cá tính. Đọc tác phẩm mình có cảm giác như phần nào cũng đã được tận mắt chứng kiến những gì đang diễn ra ở vùng đất đó bởi cách viết vô cùng chi tiết, logic của tác giả. Lượng kiến thức về Hồi giáo trong quyển sách này đối với mình là khá nhiều, nhưng chất, và được đưa vào hợp lý trên cuộc hành trình đầy táo bạo và cũng lắm thử thách chông gai. Đọc xong Con đường hồi giáo tựa như vừa được học một khóa cấp tốc mà chất lượng về Trung Đông vậy, cảm giác bản thân được mở mang và cái nhìn về Trung Đông cũng khác hẳn. Thực sự đây là một quyển sách rất đáng đọc và xứng đáng được nổi tiếng hơn.
Để kết bài, mình chỉ muốn nhắc lại bài học của chính bản thân đã đúc kết được, rằng định kiến là điều không nên và đừng chỉ nhìn thế giới qua ống kính của truyền thông.
P.s: mình đọc Ngàn mặt trời rực rỡ và Người đua diều bản gốc (Tiếng Anh), và gợi ý mọi người nên tìm đọc bản đó nếu có thể để hiểu và cảm được tác phẩm trọn vẹn nhất, đặc biệt là ở những câu thoại đắt giá.
Photo by Annie Spratt on Unsplash
Công nhận những tin tức về Trung Đông bây giờ toàn là về khủng bố rồi nội chiến, chứ ít ai để ý về nét văn hóa đặc sắc của những nước ở đó. Anw, đọc bài em viết anh mới nhớ hôm trước ngó qua tủ sách của bố thấy có cuốn Người Đua Diều. Để hôm nào cầm đọc phát.
LikeLiked by 1 person
em đọc xong quyển đó gần một tuần rồi mà dư âm vẫn còn. Mong là sẽ được đọc bài review của anh sớm ạ :”)
LikeLike